Hậu quả và sau đó Trận_chiến_vịnh_Leyte

Buổi lễ kỷ niệm 60 năm trận chiến tại Tacloban, Philippines, ngày 20 tháng 10 năm 2004

Trận chiến vịnh Leyte đã giúp giữ vững các bãi đổ bộ của Tập đoàn quân 6 Lục quân Hoa Kỳ trên đảo Leyte trước sự tấn công từ phía biển. Tuy nhiên, cuộc chiến trên bộ vẫn còn tiếp diễn gay go cho đến khi Đồng Minh kiểm soát hoàn toàn hòn đảo vào cuối tháng 12 năm 1944. Trận Leyte trên bộ được tiến hành song song với các chiến dịch trên không và ngoài biển, trong đó quân Nhật nỗ lực tăng viện và tiếp tế cho quân đồn trú tại Leyte, trong khi Đồng Minh ra sức ngăn cản và giành ưu thế trên không và trên biển cho một loạt các cuộc đổ bộ lên vịnh Ormoc, các cuộc đụng độ thường được biết đến dưới tên gọi Trận chiến vịnh Ormoc.[3]

Hải quân Đế quốc Nhật Bản chịu đựng tổn thất to lớn nhất kể từ thời đại Minh Trị duy tân. Thất bại của họ không đánh đuổi được lực lượng xâm chiếm Đồng Minh khỏi Leyte đồng nghĩa với việc mất Philippines không sao tránh khỏi, mà điều này sẽ dẫn đến việc Nhật Bản sẽ bị cắt đứt khỏi những lãnh thổ chiếm đóng tại Đông Nam Á. Những nơi này đang cung cấp nguồn nguyên liệu sống còn cho Nhật Bản, đặc biệt là xăng dầu cho tàu chiến và máy bay, và vấn đề này càng thêm trầm trọng vì các xưởng tàu và nguồn tiếp liệu khác như đạn dược đều ở ngay tại chính quốc. Cuối cùng, việc mất Leyte đã mở đường cho việc tấn công quần đảo Ryukyu trong năm 1945.[2][3]

Hầu hết lực lượng tàu nổi của Hải quân Nhật quay trở về căn cứ của chúng trong trạng thái hư hỏng, hầu như không hoạt động cho đến hết chiến tranh. Chiến dịch duy nhất của các tàu chiến này từ lúc trận chiến vịnh Leyte Gulf kết thúc cho đến khi Nhật Bản đầu hàng là chuyến đi thảm họa và bi đát vào tháng 4 năm 1945 trong Chiến dịch Ten-Go (Ten-gō sakusen) khi thiết giáp hạm Yamato cùng một số tàu hộ tống bị các tàu sân bay Mỹ tiêu diệt.

Máy bay tấn công tự sát kamikaze lần đầu tiên được sử dụng sau cuộc đổ bộ lên Leyte, khi một máy bay đã đánh trúng tàu tuần dương hạng nặng Úc HMAS Australia ngày 21 tháng 10. Việc tấn công tự sát có tổ chức bởi "Lực lượng Tấn công Đặc biệt" bắt đầu vào ngày 25 tháng 10 trong giai đoạn kết thúc của trận chiến ngoài khơi Samar đã phá hủy tàu sân bay hộ tống USS St. Lo.

J.F.C. Fuller, trong tác phẩm của ông 'The Decisive Battles of the Western World', đã viết về kết quả của trận chiến vịnh Leyte:

Hạm đội Nhật Bản [thực sự] đã ngừng hiện hữu, và ngoại trừ lực lượng máy bay đặt căn cứ trên đất liền, đối thủ của họ đã giành quyền kiểm soát mặt biển không thể chối cải được.

Khi Đô đốc Ozawa được hỏi… sau chiến tranh ông đã trả lời: "Sau trận này lực lượng tàu nổi trở nên hoàn toàn phụ thuộc, nên chúng tôi phải dựa vào lực lượng trên bộ, tấn công [Kamikaze] đặc biệt, và không quân… không còn những nhiệm vụ được giao cho các tàu nổi, ngoại trừ một vài con tàu đặc biệt".

Và Đô đốc Yonai, Bộ trưởng Hải quân, phát biểu ông nhận thức rằng thất bại tại Leyte "tương đương với việc mất Philippines."

và trong một ý nghĩa lớn hơn của trận đánh, ông nói: "Tôi có cảm giác đó là hồi kết cuộc."[2]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trận_chiến_vịnh_Leyte http://www.dva.gov.au/commem/news/leyte_gulf.htm http://www.battle-of-leyte-gulf.com/ http://www.bosamar.com/ http://www.historyanimated.com/LeyteGulf.html http://www.militaryhistoryonline.com/wwii/articles... http://www.militaryhistoryonline.com/wwii/articles... http://www.navweaps.com/index_oob/OOB_WWII_Pacific... http://www.navweaps.com/index_oob/OOB_WWII_Pacific... http://www.navweaps.com/index_oob/OOB_WWII_Pacific... http://www.navweaps.com/index_oob/OOB_WWII_Pacific...